Người Việt Nam ta từ xưa đến nay có truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng cho đi mà không cần đền đáp. Xuất phát từ truyền thống ấy, dọc khắp dải đất hình chữ S, đã có biết bao trung tâm nuôi dưỡng, nhận trẻ trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn ra đời.
Thậm chí có những người sẵn sàng bỏ tiền túi, bỏ thời gian, công sức để chăm sóc các em, nuôi dạy những đứa trẻ đáng thương không nơi nương tựa, cho chúng một mái nhà và một cuộc sống êm đềm, tốt đẹp hơn.
Người cựu chiến binh là cha của hơn 200 đứa trẻ
Ông Huỳnh Tấn Hùng (61 tuổi) từng là một chiến chiến sĩ quân y ở chiến trường K (Campuchia). Năm 1983 ông rời quân ngũ về địa phương. Người cựu chiến binh này chứng kiến nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, bạo hành gia đình, cha hoặc mẹ mất sớm hoặc bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng. Chính vì vậy, ông đã có ý tưởng xây dựng một trung tâm để nuôi dưỡng những đứa trẻ đáng thương.
Ông Huỳnh Tấn Hùng – người cha của hơn 200 đứa trẻ. (Ảnh: VnExpress)
Năm 2005, ông lập kế hoạch trình chính quyền địa phương và ba năm sau được cấp 1.000 m2 đất ở vùng ven thị trấn Phú Thịnh. Từ khoản tiền tiết kiệm của gia đình và nguồn hỗ trợ của một sư cô ở Đồng Nai, ông Hùng xây dựng hai dãy nhà cấp bốn.
Sau 15 năm hoạt động, nhiều căn phòng khác được xây thêm từ quyên góp của các nhà hảo tâm, đến nay trung tâm có gần 10 phòng ăn ở, học tập.
Theo ông Hùng, từ ngày thành lập đến nay có khoảng 400 trẻ đến nhờ giúp đỡ, trong đó 200 đến được một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại trung tâm đến khi trưởng thành.
Ngôi nhà nơi ông Hùng cưu mang các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: VnExpress)
Dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế khiến nguồn tài trợ giảm dần, trung tâm đối diện với không ít khó khăn. “Mỗi tháng dù chắt bóp nhưng chi tiêu ít nhất 25 triệu đồng.
Đây là một số tiền lớn”, ông nói với VnExpress. Dù vậy, nếu có người liên hệ để gửi con ông cũng không từ chối. Ông tâm niệm sống là cho đi không đòi hỏi nhận lại thứ gì. Ước mơ của ông là nhìn thấy trẻ lớn lên có được hạnh phúc trong cuộc đời.
Các em nhỏ mồ côi, khó khăn được có một mái nhà, một nơi che mưa, che nắng. (Ảnh: VnExpress)
Ở cái tuổi gần đất xa trời, điều khiến ông lo lắng nhất hiện tại không phải là kinh tế mà nỗi trăn trở của người cha này là mai này già yếu không thể duy trì trung tâm.
Ông mong ai có khả năng tiếp nhận, ông sẽ bàn giao để tiếp tục chăm sóc các trẻ. “Tôi mong muốn nhiều người khác cũng hãy mở lòng để những đứa trẻ không còn bất hạnh”, ông Hùng tâm sự.
Nguồn : yan .vn